Hôm qua bạn trợ lý đang đọc cuốn sách về khởi nghiệp bỗng dừng lại hỏi ‘Thầy có biết ikigai của thầy là gì không?’ Tôi trả lời nhanh và gọn ‘Không’. Cô hỏi tiếp: ‘Ủa, sao thầy đến chừng tuổi này và thành công đến vậy mà không biết ikigai của mình là gì? Chứ không phải những người thành công đều biết ikigai của mình là gì sao?’ Tôi trả lời ‘Nếu em đi hỏi những người lớn tuổi có thể cho là thành công trong cuộc sống thế ikigai của họ là gì thì tôi đảm bảo đa số sẽ trả lời không biết. Hahaha’. Cô ta trố mắt lên gãi đầu ‘Ủa, sao kỳ vậy ta?’
Một tí sau cô ta chia sẻ tiếp ‘Giới trẻ bọn em cứ nghĩ rằng muốn thành công thì phải biết ikigai của mình là gì. Vì thế khá nhiều bạn trẻ trong đó có một số em khá thân loay hoay đi tìm mãi mà không thấy câu trả lời và cứ như trong cái mê cung vậy.’
Thế là tôi đi tìm những bài viết về ikigai tiếng Việt trên mạng thì mới nhận ra có khá nhiều lầm tưởng về khái niệm ikigai. Khái niệm Ikigai có nguồn gốc từ Nhật là bài học rút ra từ những người sống lâu và có cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc. Nó là một triết lý sống bao quát mọi khía cạnh cuộc sống từ nhân sinh quan, sự nghiệp, gia đình, quan hệ thân thiết, ứng xử xã hội, v.v. chứ không giới hạn ở phát triển sự nghiệp.
Kể cả trên khía cạnh phát triển sự nghiệp thì tôi cảm nhận có một số lầm tưởng về khái niệm ikigai này. Trước khi đào sâu vào khía cạnh này thì chúng ta cần đồng tình trên các điểm chung. Trên mạng có khá nhiều hình ảnh giải thích ý nghĩa ikigai qua giao thoa của bốn hình tròn 1) Điều bạn làm giỏi 2) điều bạn thích 3) Điều xã hội cần và 4) Điều kiếm ra tiền. Làm đơn giản hơn thì nó có là giao thoa giữa hai hình tròn 1) Hoạt động của bạn và 2) Xã hội cần và sẵn sàng chi. Một là yếu tố bên trong và kiểm soát bởi bạn và hai là yếu tố từ môi trường sống bên ngoài.
Yếu tố bên trong
Điều bạn thích thì chưa chắc bạn làm giỏi. Đó chỉ là những cảm hứng nhất thời và đa phần sẽ biến mất nhanh. Điều bạn làm giỏi thì phần lớn bạn thích. Tuy nhiên không ai sinh ra đã giỏi về bất cứ điều gì. Muốn giỏi thì phải tập luyện, thực hành, thường xuyên. Nếu bạn tìm hiểu về những vận động viên thế vận hội thì sẽ thấy họ KHỔ luyện ngày đêm. Vậy để giỏi bạn có vượt qua được cái thử thách ‘khổ’ vì nó sẽ sớm đánh mất cái thích ban đầu của bạn. Do đó các bạn trẻ, nếu bạn còn đi tìm điều mình thật sự giỏi thì có khả năng bạn khó tìm ra vì bạn chưa đầu tư đủ mồ hôi, nước mắt, thời gian, tiền của, v.v. để trở nên giỏi. Vì nếu bạn đã sống đủ khổ với nó thì bạn tự nhiên biết rồi không cần phải đi tìm.
Nhiều bạn nghĩ rằng một khi ta tìm ra ikigai thì ta sẽ thành công cả đời. Không bạn ạ, những yếu tố bên trong bạn, sở thích, nhân sinh quan, v.v. thay đổi theo thời gian và thay đổi theo những thay đổi của môi trường sống. Điều bạn thích và làm giỏi nhưng sau một thời gian bạn khám phá ra nó không còn đem lại cho bạn nguồn cảm hứng phấn khích như ban đầu mà thậm chí còn làm cho bạn nhàm chán.
Yếu tố bên ngoài
Những hoạt động của bạn mà xã hội đánh giá cần và chấp nhận chi. Con người cần rất nhiều thứ nhưng đến khi nói ‘trả tiền’ thì họ sẽ đắn đo cân nhắc vì thu nhập đa số ở một mức nhất định và không dư giả. Do đó khi chi thì họ phải cân nhắc xem phải thay thứ họ đang chi bằng thứ mới. Thế để bạn có thu nhập thì người chi tiền phải đánh giá hoạt động của bạn có giá trị và xứng đáng với mức tiền đó không và có đủ quan trọng với họ để đánh đổi món mà họ đang chi.
Nhiều bạn trẻ khi ra trường muốn có việc nhàn lương cao, vậy thì người chi tiền có thấy công việc bạn làm có xứng với gấp đôi tiền lương của bạn không vì ngoài lương của bạn họ còn phải trả tiền bảo hiểm, cơ sở vật chất và nhiều thứ khác nữa cho vị trí đó của bạn.
Thêm nữa thứ xã hội cần và chấp nhận chi thay đổi theo thời gian. Thí dụ bạn có một giọng nói hay nên công việc lồng tiếng cho các phim ngoại quốc mà bạn thích và làm giỏi đem lại cho bạn nguồn thu nhập tốt. Rồi một ngày AI xóa sổ ngành lồng tiếng và bạn khám phá ra mình thất nghiệp.
Do đó điều bạn thích và làm giỏi, xã hội cần và chấp nhận chỉ có thể thay đổi nhanh chóng do cả hai yếu tố bên trong (bạn tìm thấy thứ bạn thích hơn) và yếu tố bên ngoài thay đổi. Cho nên nếu nghĩ khi tìm thấy ikigai là mình sẽ thành công suốt đời là một lầm tưởng lớn.
Thế thì ta nên làm sao đây?
Trước hết là nhận thức ikigai không phải là một công thức thành công. Nó là một triết lý sống. Cuộc sống có rất nhiều khía cạnh từ công việc, thú tiêu khiển, giải trí, các mối quan hệ, trách nhiệm với cá nhân, với gia đình, với xã hội. Nhưng một ngày chỉ 24h nên làm sao để cân bằng cuộc sống. Muốn nâng thứ gì lên thì cần phải bỏ xuống thứ đang cầm trên tay.
Thứ hai, nhận thức bạn có thể làm được nhiều thứ. Vậy trong những thứ ấy, thứ nào mà xã hội cần và chấp nhận chi đồng thời bạn có lợi thế cạnh tranh với những lựa chọn tương tự (đối thủ cạnh tranh với bạn). Và nếu điều đó mình làm chưa giỏi lắm thì cần phải kiên trì tập luyện để làm giỏi.
Thứ ba, hành trình truy tìm lẽ sống có lúc sẽ rất gian nan và bạn hãy thưởng thức những thử thách ấy vì niềm vui là ở hành trình chứ không đích đến.
Thứ tư, nhận thức rằng môi trường bên ngoài thay đổi nhanh chóng và kể cả bên trong ta cho nên mình cần phải đánh giá thường xuyên tất cả các yếu tố về mặt tâm lý ở bên trong và xu hướng xã hội để điều chỉnh hướng đi cho phù hợp.
Chúc các bạn có một cuối tuần vui vẻ.
Chia sẻ từ Facebook của Giáo sư Trương Nguyện Thành.



Một số bài viết các bạn có thể quan tâm:
Đọc xong, đêk biết gì!
Học cái gì và để làm gì?
ONEX Training Team.