Quá trình một quả chuối từ đồn điền ở Costa Rica đến siêu thị tại Mỹ gợi mở gì về chuỗi cung ứng toàn cầu?
Trong cuốn sách vừa xuất bản vào tháng 3/2023, Giáo sư Yossi Sheffi của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã trình bày về sự phức tạp của chuỗi cung ứng, trí tuệ nhân tạo và tương lai của công việc trong chuỗi cung ứng.
Trước đại dịch COVID-19, người tiêu dùng hiếm khi nghĩ đến chuỗi cung ứng, chỉ hiểu sơ qua rằng đó là thứ dường như đã đưa hàng hóa đến các cửa hàng cũng như hộ gia đình tiêu thụ sản phẩm. Theo Giáo sư Yossi Sheffi của MIT, sự gián đoạn trong thời kỳ đại dịch đã vén bức màn về điều kỳ diệu “dường như” đó, và để lộ ra “cấu trúc cơ bản, sự phức tạp hiển nhiên và quy mô khổng lồ của chuỗi cung ứng hiện đại”.
Trong cuốn sách mới của mình, “The Magic Conveyor Belt: Supply Chains, AI, and the Future of Work” (tạm dịch: Chiếc băng chuyền kì diệu: Chuỗi Cung ứng, Trí tuệ nhân tạo và tương lai công việc trong ngành), Giáo sư Sheffi, Giám đốc Trung tâm Vận tải và Logistics của MIT, đã đi sâu vào nhiều chuỗi cung ứng, cách thức các chuỗi đang vận hành và cách mà những công nghệ mới có thể thay đổi chuỗi cung ứng. Như Giáo sư trình bày trong đoạn trích sau đây, ngay cả sản phẩm cơ bản nhất – chuối – cũng phải trải qua một hành trình khá dài để xuất hiện trên các kệ ở cửa hàng tạp hóa.
++++++
Mọi hoạt động xuyên suốt bất kỳ chuỗi cung ứng nào đều yêu cầu ba yếu tố kết hợp vào cùng thời điểm và ở cùng một địa điểm, đó là nguyên liệu đầu vào, trang thiết bị và lao động. Điều này đúng ngay cả đối với chuỗi cung ứng một mặt hàng nghe có vẻ đơn giản – chuối.
Chuối là mặt hàng tạp hóa được mua nhiều nhất ở Hoa Kỳ. Loại trái cây này cũng rất phổ biến ở trên khắp thế giới: Năm 2019, những người trồng chuối đã xuất khẩu hơn 21 triệu tấn chuối trên toàn thế giới. Theo dấu vết chuỗi cung ứng chuối dường như là một công việc tương đối đơn giản, vì sản phẩm này chỉ có một “bộ phận” duy nhất, không cần lắp ráp, và có “bao bì” riêng.
Hóa ra, chuối bán ở siêu thị không hoàn toàn là sản phẩm tự nhiên, đơn giản như vẻ ngoài của chúng, mà là sản phẩm được đưa ra từ nhiều quy trình chế biến khác nhau, có sử dụng hóa chất và đương nhiên là liên quan nhiều đến quá trình vận chuyển. Chuỗi cung ứng chuối từ đồn điền của thương hiệu Chiquita ở Costa Rica đến siêu thị Shaw’s ở Boston, Massachusetts, minh họa rõ điều này.
Mẹ thiên nhiên đã trao ba thành phần chính để người nông dân có thể trồng ra được một quả chuối: carbon dioxide (khí CO2), nước và ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, để trồng chuối thành công, người trồng vẫn cần thêm những yếu tố đầu vào khác, chẳng hạn như phân bón, chất hữu cơ và dinh dưỡng trong đất, cùng với các sản phẩm diệt côn trùng.
Khi một buồng chuối đạt đến giai đoạn phát triển phù hợp – vẫn còn xanh, nhưng khi sắp chín, những người nông dân sẽ cắt buồng chuối xuống và đưa lên hệ thống vận chuyển đến trạm phân loại.
Các buồng chuối sau đó được kiểm tra ngoại quan theo cách thủ công, và sắp xếp theo kích cỡ. Sau đó, những người phụ trách khâu đóng gói sẽ xếp các nải chuối đã được phân loại và kiểm soát chất lượng vào các hộp khoảng 18kg (tương đương 40 pound), và xếp lên pallet, với phân bổ 48 hộp/pallet.
Ở cuối dây chuyền sản xuất, công nhân chất những pallet chuối nặng một tấn lên xe tải, và chở tới cảng Puerto Moín nằm trên bờ Biển Caribê ở thành phố Limón (Costa Rica). Tại cảng, các pallet được xếp vào các container lạnh 40 feet, mỗi container chứa 20 pallet.
Các cẩu giàn khổng lồ sau đó sẽ chất hàng trăm container lên các con tàu đi đến New Orleans.
Tại cảng New Orleans, các container chuối được dỡ khỏi tàu và vận chuyển bằng đường sắt và xe tải đến các trung tâm phân phối hàng lạnh do Chiquita sở hữu, hoặc của một nhà bán lẻ nào đó. Tại trung tâm phân phối, công nhân sẽ đưa các pallet chuối trong các phòng kín chờ chín. Ngay trước khi vận chuyển chuối đến các cửa hàng bán lẻ, Chiquita bơm khí ethylene vào các phòng để bắt đầu lại quá trình chín cho chuối.
Nhà sản xuất kiểm soát mức độ khí để đạt được một trong ba mức độ chín theo yêu cầu của từng cửa hàng bán lẻ: xanh lá đậm, xanh lá hoặc vàng.
Khi chuối đạt được màu sắc mà nhà bán lẻ muốn, những nải chuối này sẽ được chuyển đến các cửa hàng bán lẻ. Ví dụ, tại trung tâm phân phối Siêu thị Shaw ở Methuen, bang Massachusetts, nơi phục vụ cho cả khu vực Đại Boston (Greater Boston), mỗi ngày có hàng nghìn hộp chuối được chất lên xe tải để chở đến các điểm bán lẻ của Shaw. Và các nhà quản lý sản phẩm tươi sống phải sắp xếp thời gian hợp lý sao cho đúng đủ lượng chuối, ở giai đoạn chín thích hợp, được đưa đến các cửa hàng bán lẻ mỗi ngày.
Chúng ta cần lưu ý rằng mặc dù những phần mô tả ở trên tập trung chủ yếu vào những quả chuối, nhưng rõ ràng mỗi quá trình trên hành trình đã nêu đều bao gồm nhiều thứ hơn là chuối. Trên hành trình này có nhiều người lao động, cơ sở hạ tầng, thiết bị và công cụ, nhiều yếu tố đầu vào khác, và nhiều bên khác nhau để quản lý và tham gia các hoạt động riêng biệt — có thể là trồng chuối, thu hoạch, phân loại và đóng gói, vận chuyển, dỡ hàng, làm mát, làm chín, lưu trữ, giao hàng… Và tất cả những khâu kể ở đây là chỉ dành cho một sản phẩm đơn giản, không cần lắp ráp.
Như vậy, cho dù ở đồn điền, nơi người lao động sử dụng phân bón và máy móc nông nghiệp, hay trong kho lạnh, nơi công nhân sử dụng khí ethylene để kiểm soát độ chín của chuối, chúng ta thấy rằng mọi hoạt động trong chuối cung ứng chuối đều cần đến sự kết hợp của ba yếu tố là lao động, nguyên liệu đầu vào và thiết bị.
Chuỗi cung ứng: Chiếc băng chuyền kỳ diệu
Trong phần lớn sự nghiệp của tôi (Giáo sư Yossi Sheffi), khi những người hàng xóm hỏi bà xã tôi rằng anh nhà chị đang nghiên cứu và giảng dạy cái gì ở MIT đấy, thì câu trả lời của bà ấy, “quản lý chuỗi cung ứng,” , dù rất rõ ràng, nhưng đã nhận lại những ánh nhìn mơ hồ, đầy khó hiểu. Rồi bỗng nhiên đại dịch COVID-19 bùng phát, và sự bàng quan về chuỗi cung ứng đã thay đổi. Khi vợ tôi hỏi nhân viên bán hàng trong siêu thị Whole Foods vào tháng 5/2020, rằng tại sao không có cam trên kệ hàng vậy, cô gái 17 tuổi đã trả lời rất tự nhiên: “Thưa cô, siêu thị đang gặp chút vấn đề về chuỗi cung ứng.”
Trước đại dịch, chuỗi cung ứng hiếm khi xuất hiện trong mối quan tâm của công chúng, bởi vì ngay cả khi một vài chuỗi cung ứng bị gián đoạn và một số sản phẩm là không có sẵn, thì sự phiền phức gây ra đối với cuộc sống của mọi người cũng là không đáng kể. Hầu hết các vấn đề về chuỗi cung ứng là các sự kiện đơn lẻ liên quan đến thảm họa thiên nhiên mang tính địa phương và các nhà quản lý chuỗi cung ứng vẫn có thể bảo vệ người tiêu dùng khỏi hầu hết các vấn đề như vậy. Các kệ hàng có thể hết sạch trước một cơn bão nhiệt đới hoặc bão tuyết, nhưng tình trạng như vậy đã được tiên lượng, và trong nhiều trường hợp đã được lên kế hoạch ứng phó từ trước, do đó chúng khó có thể gây ra vấn đề trên quy mô lớn.
Nếu được cho dư giả thời gian và tiền bạc rủng rỉnh, bất cứ ai cũng có thể làm hầu hết mọi việc trên cuộc đời này. Nhưng chuỗi cung ứng thì không nằm trong phạm vi thoải mái như vậy. Điều kỳ diệu thực sự của chuỗi cung ứng hiện đại là với thời gian eo hẹp và ngân sách hạn chế, các hệ thống chuỗi cung ứng có thể làm được rất nhiều thứ. Qua nhiều thập kỷ phát triển về lý thuyết, thực hành và xây dựng các công cụ thiết kế, quản lý và vận hành chuỗi cung ứng, các nhà quản lý đã học được cách cung cấp nhiều sản phẩm một cách ổn định với chi phí vừa phải trong hầu hết các trường hợp. Các cửa hàng bán lẻ lớn nhỏ cung cấp hàng chục nghìn, nếu không muốn nói là hàng trăm nghìn sản phẩm khác nhau, sẵn sàng để khách cho vào giỏ hàng, thanh toán và mang về nhà. Các cửa hàng trực tuyến thì cung cấp được đến hàng triệu sản phẩm khác nhau, nhiều sản phẩm có thể được giao trong ngày đến tận nhà của người tiêu dùng. Với phần lớn các sản phẩm, thì hàng triệu người làm việc tại các nhà bán lẻ, nhà sản xuất, nhà cung ứng nguyên liệu thô, nhà cung cấp phụ tùng, nhà kho và doanh nghiệp vận tải đã tạo ra ảo tưởng về một “nồi cơm Thạch Sanh” kỳ diệu, luôn cung cấp sản phẩm liên tục bất cứ khi nào người tiêu dùng muốn.
Nhìn chung, hiệu suất cao của các chuỗi cung ứng hiện đại đồng nghĩa với việc người tiêu dùng biết rằng họ có thể ghé thăm một cửa hàng (hoặc trang web), tìm thứ họ cần và mua nó. Và nếu người tiêu dùng quay lại cửa hàng bán lẻ sau đó, họ sẽ lại thấy các kệ hầu như vẫn đầy hàng hóa, cứ như là đã được nàng tiên trong quả thị chuẩn bị sẵn vậy. Sau cánh gà của sự sẵn sàng đó là một mạng lưới rộng lớn nhiều tập đoàn và doanh nghiệp đã làm việc cật lực để tạo ra dòng hàng hóa thông suốt với giá cả cạnh tranh.
Các chuỗi cung ứng đã vận hành trôi chảy và vô hình đến mức The New York Times phải thừa nhận: “Trước đại dịch, chúng tôi hầu như không mấy quan tâm đến hoạt động logistics”. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, các chuỗi cung ứng đã trở thành nạn nhân từ chính thành công của chúng.
Nguồn cơn của cả giai đoạn chuỗi cung ứng hoạt động trơn tru và tình trạng thiếu hụt liên quan đến đại dịch đều xuất phát từ cấu trúc cơ bản, sự phức tạp hiển nhiên và quy mô rất lớn của chuỗi cung ứng hiện đại.
ONEX Training Team.