Chắc hẳn các bạn sinh viên đã xem rất nhiều định nghĩa về Dịch vụ Logistics ở nhiều nơi. Trong bài viết này hãy cùng Viện đào tạo ONEX Training tìm hiểu về định nghĩa Logistics theo luật pháp Việt Nam nhé.
Dịch vụ Logistics là gì?
Theo Điều 233, Luật Thương mại 2005: Dịch vụ Logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Dịch vụ Logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô-gi-stíc.
Các hoạt động được nêu trong định nghĩa dịch vụ Logistics của Luật thương mại 2005 cũng chính là một số hoạt động tiêu biểu, điển hình của Logistics. Luật thương mại 2005 đồng thời nhấn mạnh vào tính chất dịch vụ của hoạt động này khi một doanh nghiệp đứng ra nhận làm các công việc đó để hưởng thù lao từ doanh nghiệp có hàng hóa.
Logistics có những ngành nào?
Trước đây, theo Nghị định 140/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 05/09/2007, dịch vụ Logistics được phân loại như sau:
- Các dịch vụ Logistics chủ yếu, bao gồm:
- Dịch vụ bốc xếp hàng hóa, bao gồm cả hoạt động bốc xếp container;
- Dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị;
- Dịch vụ đại lý vận tải, bao gồm cả hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa;
- Dịch vụ bổ trợ khác, bao gồm cả hoạt động tiếp nhận, lưu kho và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển và lưu kho hàng hóa trong suốt cả chuỗi Logistics; hoạt động xử lý lại hàng hóa bị khách hàng trả lại, hàng hóa tồn kho, hàng hóa quá hạn, lỗi mốt và tái phân phối hàng hóa đó; hoạt động cho thuê và thuê mua container
- Các dịch vụ Logistics liên quan đến vận tải, bao gồm:
- Dịch vụ vận tải hàng hải;
- Dịch vụ vận tải thuỷ nội địa;
- Dịch vụ vận tải hàng không;
- Dịch vụ vận tải đường sắt;
- Dịch vụ vận tải đường bộ.
- Dịch vụ vận tải đường ống.
- Các dịch vụ Logistics liên quan khác, bao gồm:
- Dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật;
- Dịch vụ bưu chính;
- Dịch vụ thương mại bán buôn;
- Dịch vụ thương mại bán lẻ, bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa, phân phối lại và giao hàng;
- Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.
Hiện nay, theo Nghị định 163/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 30/12/2017, dịch vụ Logistics được phân loại như sau:
- Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay.
- Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển.
- Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải.
- Dịch vụ chuyển phát.
- Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa.
- Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan).
- Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải.
- Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng.
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển.
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa.
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt.
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ.
- Dịch vụ vận tải hàng không.
- Dịch vụ vận tải đa phương thức.
- Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật.
- Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.
Ngoài các dịch vụ trên, nếu có các dịch vụ khác mà thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật Thương mại thì cũng được coi là dịch vụ Logistics.
Tại sao từ “Logistics” thay thế các thuật ngữ như kho vận, tiếp vận, lưu vận, giao nhận trong quản lý chuỗi cung ứng ngày nay?
Vì những từ như kho vận, tiếp vận, lưu vận, giao nhận,…chỉ phản ánh một công đoạn trong suốt hoạt động Logistics. Các thuật ngữ trên hông thể hiện được đầy đủ ý nghĩa của Logistics – một quá trình xuyên suốt, tích hợp của nhiều công đoạn. Chính vì lý do trên, việc thay thế và sử dụng từ Logistics là hợp lý. Luật Thương mại 2005 cũng đã chính thức sử dụng Logistics trong văn bản pháp luật của Nhà nước.
Bài viết có tham khảo sách Hỏi đáp về Logistics của tác giả Trần Thanh Hải
Một số bài viết các bạn có thể quan tâm:
Tự tin vào nghề Sales Logistics trong năm 2024
Vận đơn đường biển (Bill Of Lading – B/L)
ONEX Training Team.