ONEX Training xin được chia sẻ bài viết của Ông Trần Sĩ Chương – Chuyên gia kinh tế và quan hệ quốc tế; Nguyên Cố vấn về kinh tế và tiền tệ cho Ủy ban Ngân hàng Quốc hội Hoa kỳ về chủ đề: “Chỉn chu” là từ khóa quan trọng nhất để thành công.

Tiếng Anh, chuyên môn và tính chỉn chu mở cánh cửa ra thế giới
Trong thời gian trò chuyện, các sinh viên đã chia sẻ một số băn khoăn như: kinh nghiệm học tập hiệu quả trong trường đại học; cách để tạo bản CV ấn tượng với nhà tuyển dụng; những kỹ năng cần trau dồi để vươn mình ra thế giới và làm việc cho những công ty toàn cầu; có nên khởi nghiệp ngay khi đang học đại học…
Theo ông Trần Sĩ Chương, để mở rộng cơ hội làm việc ở nước ngoài, sinh viên cần có tư duy công dân toàn cầu và tập trung “tôi luyện” chuyên môn, Tiếng Anh, cùng tính chỉn chu càng sớm càng tốt. Trong đó, Tiếng Anh là điều kiện tiên quyết vì dù giỏi chuyên môn đến mấy nhưng khi không có khả năng truyền đạt sẽ khó có thể hòa nhập vào bất cứ môi trường quốc tế nào. Về chuyên môn, giáo trình giảng dạy ở Việt Nam khá nặng nên tương đối cũng đủ điều kiện để hội nhập, vừa làm vừa học. Và sau cùng, “chỉn chu” là từ khóa quan trọng nhất để thành công trong sự nghiệp. Đáng quan ngại là khá nhiều người trẻ chưa để tâm rèn giũa điều này. Cách sống cẩu thả, phiên phiến, làm gì cũng qua loa đại khái chính là tử huyệt. Nếu nhận thấy bản thân có những tính cách này hãy nỗ lực gột bỏ vì khi ra đời xã hội nhận ra và bị đào thải ngay. Những ai tính tình cẩn thận, chỉn chu sẽ dễ thành công trong cuộc sống.
Khi ta 20, hãy tập trung học tập để biết “mình là ai”
Về khởi nghiệp trong trường đại học, ông Trần Sĩ Chương tư vấn: “Cá nhân tôi đã từng khởi nghiệp hơn 20 lần ngay từ khi còn học đại học nên tất nhiên cũng ủng hộ các bạn. Tuy nhiên, các bạn chỉ đang ở tuổi 20, việc quan trọng trước mắt hãy tập trung học và tìm hiểu “mình là ai” trước khi nghĩ đến chuyện khởi nghiệp. Đang học ngành gì thì học cho tới nơi tới chốn; tìm hiểu chính mình để biết mình nên làm gì cho bản thân thì làm cho tới nơi tới chốn. Đó là sứ mệnh lớn nhất khi các bạn còn ngồi trên ghế nhà trường.
Khởi nghiệp là tạo ra một sự nghiệp mà sự nghiệp này có thể còn lại kể cả sau khi mình không còn trên đời. Do đó, cần biết mình muốn trở thành ai, rồi sau đó làm bài toán ngược để biết mình cần phải làm gì để trở thành người mình muốn chứ không nhất thiết phải đi vay mượn để làm ăn, vì không phải ai cũng có bản chất làm ăn. Dù vậy, nếu các em vẫn muốn làm điều gì đó mới mẻ cũng được, động não sáng tạo cũng rất tốt. Con người doanh nhân có cấu thành đặc biệt, mạnh dạn chấp nhận rủi ro, sống được với những yếu tố bất định và khả năng chịu đựng thử thách gian truân, chấp nhận trả những cái giá nhất định để theo đuổi khởi nghiệp.
Người trẻ hay nhìn vào Steve Job, Bill Gates. Nói nôm na, họ là những thiên sứ đã rơi vào những hoàn cảnh, điểm nhấn của thời đại, và có những cơ hội đặc biệt, chứ ít có người được như các ông. Các ông đều khởi nghiệp từ 18 – 19 tuổi thì làm sao biết về marketing, quản lý doanh nghiệp, quản lý con người, quản lý rủi ro… Chẳng qua vì các ông ở Mỹ, vốn là nơi có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt. Nếu các ông mang ý tưởng đó, ở độ tuổi đó khởi nghiệp ở quốc gia khác chưa chắc đã thành công. Vậy nên các bạn nên biết, bạn có ý tưởng tốt cũng như một hạt giống tốt. Nếu gieo ở nơi có thổ nhưỡng phù hợp sẽ phát triển rất nhanh, sớm gặt hái kết quả. Nếu gieo hạt giống tốt đó vào nơi khô cằn, thì dù bạn có tưới nước, bón phân thế nào chăng nữa cũng sẽ phát triển èo uột. Nhiều nghiên cứu trên toàn thế giới cho thấy, xác suất khởi nghiệp thành công vào khoảng 1/20, có nơi là 1/200, và từ 40 -48 tuổi mới là độ tuổi khởi nghiệp chín muồi nhất vì đó là tuổi chín chắn, còn sức khỏe, năng lượng và có trải nghiệm, kinh nghiệm nghề nghiệp. Nói như vậy không có nghĩa chỉ ở Mỹ mới nên khởi nghiệp, mà muốn nói lên tính quyết định của hệ sinh thái (gồm những điều kiện cần và đủ) để có một xác suất thành công tương đối.
Các bạn cần được biết rằng, điều kiện kiện cốt lõi để khởi nghiệp thành công là bạn đã có hệ sinh thái phù hợp với ý tưởng của mình. Nếu bắt đầu khởi nghiệp mà ý tưởng của bạn cần quá nhiều điều kiện mới có thể thành công thì chắc chắn rủi ro rất cao. Còn nếu bạn chỉ cần thêm một hoặc hai điều kiện nữa thôi thì xác suất bạn khởi nghiệp thành công sẽ cao hơn. Ví dụ, bạn có một người chú sản xuất cà phê tại Đắk Lắk, chú sẵn lòng bán lại cho bạn cà phê chất lượng tốt với ưu đãi giá gốc. Vừa có cà phê ngon, giá cả mua vào hợp lý, thì bạn mở một quán cà phê vỉa hè ở bất cứ đâu cũng dễ thành công hơn.
Các bạn có quyền mơ nhưng hãy tận dụng thời gian đi học này để học nhiều, đọc nhiều, gặp nhiều người, tận thu các ông cố vấn của khoa vì chúng tôi sống bao nhiêu năm, thấy được nhiều chuyện nên có lăng kính có thể cho các em mượn để soi chiếu vào việc các em muốn làm. Có cơ hội này các em phải tận dụng để học và tập trước khi hành. Nếu có điều kiện thì thử việc này việc kia, chuẩn bị tâm thế để khi thất bại có quỵ ngã cũng có thể gượng dậy để làm lại”.
Một bản CV tốt sẽ bao gồm thái độ biết ơn và khả năng cống hiến giá trị cho xã hội
Trả lời câu hỏi một bản CV như thế nào sẽ gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, Ông Trần Sĩ Chương chia sẻ: “Khi đi phỏng vấn, bản CV tương tự như chiếc áo vét. Trang phục đàng hoàng là một chuyện cần, nhưng điều kiện đủ là con người thực chất của bạn. Ban phỏng vấn đều là người từng trải, mỗi năm gặp hàng ngàn người nên ngay khi bạn bước vào phòng, họ đã biết bạn là ai. Do đó, trước tiên phải xây dựng nội lực và trung thực với chính mình. CV chưa phải là yếu tố quyết định, quan trọng là nội dung viết trong thư ứng tuyển khiến nhà tuyển dụng xúc động và tò mò về bạn. Nếu có thể chia sẻ cho họ biết bạn đã cất công tìm hiểu về công ty, biết công ty đang làm việc này, muốn xin thực tập để hiểu về nhu cầu hoặc có thể đem lại giá trị gì cụ thể tới cho doanh nghiệp mà chưa đặt nặng vấn đề lương bổng, nghiêm túc trả lời câu hỏi tại sao bạn muốn làm việc với họ… sẽ giúp tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng. Các bạn nên tập suy nghĩ “muốn hợp tác với ai thì phải xem bản thân có thể đem được giá trị cụ thể gì đến cho họ”.
Ngoài ra, nhớ ơn là thái độ đưa các bạn vào đời suôn sẻ, hiệu quả, có hạnh phúc. Trước tiên là biết ơn các thầy cô lãnh đạo Khoa đã dày công kết nối Ban cố vấn, tạo duyên cho các em khi đang còn trong nhà trường đã được gặp gỡ những người đi trước giàu kinh nghiệm xã hội nhằm chia sẻ với các em kinh nghiệm học tập và xây dựng sự nghiệp về sau. Các thầy làm việc này là vì mong muốn các bạn “gắp” được điều gì đó có lợi ích cho bản thân, mỗi ngày tập suy nghĩ nên làm gì để bản thân tiến bộ, chỉn chu hơn chính mình của ngày hôm qua. Các bạn tốt hơn một thì lợi ích mang lại cho xã hội là mười, đó là lý do Ban cố vấn đầu tư thời gian cho các bạn.
Những suy nghĩ ích kỷ sẽ khó được xã hội chấp nhận. Cả đời tôi đúc kết được một chuyện, xã hội chỉ “thối lại” cho chúng ta một phần giá trị mà chúng ta cung ứng cho xã hội. Nếu các bạn không cống hiến cho xã hội thì đừng kỳ vọng. Do đó, lúc còn đi học, học gì cũng được nhưng phải học cho tới nơi tới chốn, học cái lý của nó để lý luận trong mọi tình huống cuộc sống sau này. Như người học võ gánh nước chẻ củi để luyện nội công, khi tốt nghiệp xuống núi học thêm chiêu thức, mới có thể trở thành “cao thủ”. Nếu không chỉ là “Sơn Đông mãi võ” nhận bạc lẻ mà thôi. Được đào tạo trong môi trường khoa học kỹ thuật, có khả năng phân tích bằng tư duy khoa học đã là một xuất phát điểm lợi thế hơn người khác nên hãy tích cực rèn luyện khi còn trong nhà trường”.
Diễm Châu biên soạn.
(Theo Facebook Ông Trần Sĩ Chương)