Chuỗi cung ứng là gì?

Ở bài viết Dịch vụ Logistics là gì? Các bạn sinh viên đã phần nào hiểu được định nghĩa cũng như những nghề có trong ngành Logistics. Bây giờ hãy cùng ONEX Training tìm hiểu về chuỗi cung ứng trong bài viết dưới đây nhé.

Chuỗi cung ứng là gì?

Chuỗi cung ứng là một chuỗi các hoạt động liên quan đến một doanh nghiệp, bắt đầu từ khâu sản xuất, qua khâu phân phối, và kết thúc ở khâu tiêu dùng. Giống như tên gọi, tính chất của chuỗi là bao gồm nhiều hoạt động tương đối độc lập. Nhưng tất cả đều ảnh hưởng đến một đối tượng chung, đó là hàng hóa.

Ví dụ, xét về chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp cà-phê, quá trình bắt đầu từ việc thu gom cà phê từ nông trường hoặc các hộ nông dân. Sau đó, qua các bước chuyển vận từ trạm đến kho, từ kho đến nhà máy ở Đắk Lắk, cà phê trải qua hàng loạt bước chế biến như phơi, sấy, rang, xay, tẩm ướp. Sau đó cà phê được chuyển vận đến những địa điểm khác nhau, như Đồng Nai để đóng hộp và dán nhãn, hoặc có thể chuyển đến nước Đức để tiếp tục quá trình chế biến và phân phối tới các điểm bán lẻ. Các công ty bán lẻ phân phối cà phê đến các siêu thị và cửa hàng để bán cho người tiêu dùng.

Chuỗi cung ứng không chỉ giới hạn trong việc vận chuyển hàng hóa mà còn có thể bao gồm các yếu tố vô hình như dịch vụ, thông tin, và năng lượng. Trong nền kinh tế hiện đại, đối tượng của chuỗi cung ứng trở nên đa dạng, phản ánh sự liên kết phức tạp giữa các phần tử khác nhau trong quá trình cung ứng và tiêu thụ.

Phân biệt giữa Logistics và chuỗi cung ứng?

Trong một số trường hợp, Logistics và chuỗi cung ứng thường được sử dụng như những khái niệm tương đương và có thể thay thế lẫn nhau, tuy nhiên, thực tế cho thấy có những điểm khác biệt quan trọng giữa chúng.

Chuỗi cung ứng thường được hiểu là một chuỗi các hoạt động liên quan và nối tiếp nhau trong quá trình tạo ra một sản phẩm và đưa sản phẩm đó đến người tiêu dùng. Trong khi, Logistics nhấn mạnh, tập trung vào việc vận hành và tác động đến chuỗi hoạt động để tạo ra hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp.

Ở một góc độ khác, chuỗi cung ứng phản ánh quan tâm của doanh nghiệp thương mại – sản xuất đối với quá trình vận động của hàng hóa trong nội bộ của mình. Logistics thì thường được dùng để chỉ sự liên kết với các dịch vụ do các doanh nghiệp chuyên nghiệp cung cấp. Do đó Logistics thường xem là một ngành dịch vụ hoặc một lĩnh vực kinh doanh.

Trong các nhà trường, quản lý chuỗi cung ứng thường được giảng dạy như một bộ môn thuộc ngành quản lý công nghiệp, trong khi Logistics thường được giảng dạy là một bộ môn thuộc ngành quản trị kinh doanh hoặc kinh tế quốc tế.

Các bạn sinh viên có thể hình dung chuỗi cung ứng giống như một dây chuyền sản xuất bánh quy, còn Logistics là quá trình đưa nguyên liệu như bột mì, đường, sữa, bơ vào nhào trộn, sau đó đổ ra khuôn, chuyển qua lò nướng và đóng gói.

Bài viết có tham khảo sách Hỏi đáp về Logistics của tác giả Trần Thanh Hải

Một số bài viết các bạn có thể quan tâm:
Tự tin vào nghề Sales Logistics trong năm 2024
Chỉ số LPI là gì?

ONEX Training Team.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *