Trong ngành Logistics Việt Nam, nếu số 2 là tiếng Anh thì số 1 là… tiếng Việt.
Không khó để các bạn có thể thấy hiện nay ở Việt Nam các doanh nghiệp khi tuyển dụng (đặc biệt là công ty đa quốc gia) đưa ra yêu cầu ứng viên phải giỏi tiếng Việt. Và theo admin yêu cầu này rất đúng không những trong ngành Logistics mà còn ở các ngành nghề khác và cuộc sống.
Nếu tiếng Anh (hoặc các ngôn ngữ phổ biến khác) giúp chúng ta dễ dàng giao tiếp với thế giới thì tiếng Việt là cái hồn giúp chúng ta thấu hiểu, ứng dụng và sáng tạo trong cuộc sống và công việc hàng ngày. Không ít lần chúng ta lúng túng không biết từ đó tiếng Việt có nghĩa là gì, nhiều lần anh em trong nghề khi tra HS Code (mã số hàng hoá) xác định nhầm tên hàng của mình được mô tả trong biểu thuế.
Ví dụ: Máy cắt và máy xén do hiểu nhầm cắt và xén giống nhau.
Và thỉnh thoảng chúng ta hiểu sai ý khách hàng.
Ví dụ: “Em ơi chị muốn nhập lô hàng này về để gia công.” thì admin lại hiểu là khách muốn nhập loại hình E21 (Nhập khẩu nguyên liệu để gia công cho thương nhân nước ngoài) nhưng khi hỏi kỹ lại thì ý khách là “Chị nhập bán thành phẩm về để chế biến thêm rồi bán ở thị trường trong nước.”…
Làm sao để hiểu hơn về ngữ và nghĩa tiếng Việt?
Như đã trình bày trước đó, tiếng Việt thật sự rất quan trọng với người Việt trong cuộc sống và cả trong công việc. Chúng ta đang dùng tiếng Việt mỗi ngày và thường ít nhận ra rằng có rất nhiều từ ngữ mình không hiểu rõ nghĩa dẫn đến nhận định sai cũng như đối đãi không đúng.
Vậy làm sao để hiểu nghĩa tiếng Việt được tốt hơn? Tú không bàn đến nguyên nhân sâu xa, chỉ đề xuất giải pháp mà bản thân may mắn được trao truyền bà Nội qua những lời ru khi còn bé trên chiếc võng đung đưa những buổi trưa hè…
Thiên – Trời
Địa – Đất
Cử – Cất
Tồn – Còn
… theo wikipedia nội dung của quyển “Tự học toản yếu” hay thường được gọi là “Tam Thiên Tự”, một quyển sách cổ do Ngô Thì Nhậm – danh sỹ thời Tây Sơn biên soạn để dạy chữ Nho cho người Việt. Nói thêm một chút, ở đây Tú chỉ bàn đến chữ Nho (không bàn chữ Hán) và chỉ chú trọng làm sao để chúng ta hiểu rõ, hiểu đúng hơn ngữ nghĩa các từ tiếng Việt mình đang dùng hàng ngày mà chưa thể và không thể dịch hoàn toàn ra “tiếng Việt trong sáng”.
Ví dụ: Khi nói về hiện tượng các loài sinh vật khắc chế lẫn nhau trong tự nhiên mình gọi là “thiên địch”; Trong biểu thuế Xuất nhập khẩu có đoạn mô tả hàng hoá: “các thiết bị có dây và vô tuyến”; các từ như “Hải quan”, “Thông quan”, “Tham vấn giá”; Trong thanh toán quốc tế có “Tu chỉnh LC”,… tất cả đều là Nho – Việt cả.
Quay trở lại, như tên gọi “Tam Thiên Tự” là quyển sách có ba ngàn chữ được bố cục thành cặp đôi Nho – Việt gần đúng nhất với nhau như một bài vè rất phù hợp cho anh chị em tham khảo mỗi ngày cũng như hướng dẫn cho con em chúng ta từ khi còn bé. Các bạn có thể tìm mua ở nhà sách phiên bản do Đoàn Trung Còn biên soạn hoặc tham khảo link đính kèm:
https://maigiatrang.wordpress.com/2013/08/01/tamthientu/
http://ndclnh-mytho-usa.org/…/Tam%20Thien%20Tu-1959…
Một số bài viết các bạn có thể quan tâm:
Hiểu chuỗi từ chuối
Học cái gì và để làm gì?
ONEX Training Team. (Theo Võ Thanh Tú – CEO ONEX Logistics)